Kênh Chia sẻ Tổng Hợp, Học Ngữ Văn, Soạn Văn,Viết văn... Kiến Thức Internet...( HocNguVan.Com )

Đề bài Trong lớp có bạn cho rằng: Không nên kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy viết một bài văn bác bỏ quan niệm đó - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11

Đề bài Trong lớp có bạn cho rằng: Không nên kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy viết một bài văn bác bỏ quan niệm đó - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11

Chọn bạn mà chơi, đó là câu châm ngôn mà người xưa thường dạy con cháu. Bạn bè là mối quan hệ thân thiết, khăng khít, không khác gì mối quan hệ cha con, anh em, thầy trò… Trong lớp, có bạn học giỏi, có bạn học yếu, có bạn tốt, có bạn chưa tốt. Có ý kiến cho rằng: Không nên kết bạn với những người học yếu. Ý kiến đó đúng, sai ra sao? Thái độ của chúng ta đối với các bạn học yếu nên như thế nào cho đúng?
Trước hết, ta hãy bàn về mặt đúng của ý kiến trên. Mỗi chúng ta ai cũng mong muốn có được những người bạn tốt để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, khuyến khích, động viên ta vươn lên trong học tập và tu dưỡng. Nói một cách đầy đủ, bạn tốt là người đồng hành rất đáng quý đối với chúng ta trong cuộc sống.
Ngược lại, nếu chơi với những bạn học yếu hoặc chưa tốt thì có thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tục ngữ có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng là vậy. Các bạn học yếu vì nhiều lí do nhưng phần lớn thường ham chơi, lười học, thích quậy phá, nghịch ngợm, ngại khó, hay mượn cớ ốm đau để trốn học rồi rủ rê, tụ tập nhau đua xe, chơi game, đá bóng trên hè phố, gây rối nơi công cộng. Dần dà, các bạn đó tiêm nhiễm những thói hư tật xấu để rồi gây ra những hậu quả khôn lường, trở thành mối lo, thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vì vậy, khi chơi với các bạn học yếu, các bạn chưa tốt, nếu chúng ta không có bản lĩnh thì sẽ dễ bị lôi kéo. Thực tế cho thấy theo điều tốt thì khó như trèo núi ngược, theo điều xấu thì dễ như nước chảy xuôi. Từ người tốt chẳng mấy chốc biến thành người xấu. Vậy nên chúng ta phải cân nhắc thận trọng trong quan hệ với các bạn học yếu hoặc bạn chưa tốt.
Tuy nhiên, nếu không ai chơi với bạn học yếu, bạn chưa tốt thì các bạn ấy biết dựa vào đâu? Bị hắt hủi, các bạn ấy sẽ có mặc cảm tự ti, bi quan, thất vọng. Cho nên, chúng ta không thể xa lánh hoặc bỏ rơi mà cần phải động viên, khích lệ các bạn ấy bằng tình cảm chân thành và hành động thiết thực, dẫn dắt các bạn ấy tham gia vào những hoạt động bổ ích, lành mạnh như thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ dã ngoại, lửa trại, các hoạt động từ thiện…
Trong học tập, chúng ta nên giúp đỡ các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn hay có trở ngại về nhận thức; trao đổi từng bài văn hay, tranh luận cách làm mỗi bài toán khó. Đây cũng là dịp tốt để ta khắc sâu kiến thức, nhớ kĩ, nhớ lâu bài giảng của thầy. Dùng những lời nói hay, hành động đúng khích lệ các bạn vượt lên chính mình để thi đua cùng bạn bè. Trước mỗi thành tích dù là nhỏ cùa các bạn ấy, chúng ta nên động viên kịp thời. Khi bạn vấp ngã, chúng ta hãy quan tâm nâng đỡ bằng trái tim nhân hậu. Chúng ta không nên thành kiến mà phải tạo nhiều cơ hội tốt để các bạn đó thử thách, sửa chữa khuyết điểm, tiếp cận với cái tốt, cái đẹp của cuộc sống. Chúng ta hãy mong đợi và tin tưởng vào sự tiến bộ của các bạn. Tình yêu thương chân thành sẽ cảm hóa được tất cả. Cha ông ta thường dạy con cháu rằng: Có cái ác nhiều khi là do người tốt mà chẳng chịu làm điều gì cả.
Trong văn học dân gian lưu truyền giai thoại về tình bạn cao đẹp giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Dương Lễ khi làm quan to vẫn không quên bạn cũ là Lưu Bình và tìm mọi cách giúp đỡ để bạn cũng hiển đạt như mình. Ngày nay, trên khắp đất nước ta có biết bao tấm gương giúp bạn vươn lên trong học tập. Có những học sinh cõng bạn bị liệt đến trường suốt mấy năm trời. Có nhiều bạn bè nhường cơm sẻ áo cho nhau, cùng động viên nhau vượt khó, học giỏi.
Nền kinh tế thị trường có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đặt ra cho thế hệ trẻ. Chúng ta phải biết xa lánh sự cám dỗ của các thói hư tật xấu, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội, cùng bạn bè say mê học tập, nuôi chí lập nghiệp, tạo dựng tương lai. Những bạn học yếu cũng cần xác định cho mình trách nhiệm trước bản thân, gia đình, xã hội. Cần khiêm tốn, tự tin thi đua cùng các bạn khá giỏi để trở thành người có ích, đáp lại niềm tin yêu của cha mẹ, thầy cô, bè bạn.



Bài 18

Đề bài. Em hãy viết bài văn phân tích cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận. 

Trong thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thiên nhiên rất đẹp, rất quyến rũ hồn người nhưng nó thường bị vây phủ bởi một nỗi buồn. Nhà thơ hay đặt mình con người hữu hạn vào thời gian vô hạn và không gian vô biên để suy ngẫm về sự sống của vũ trụ, từ những cái thường ngày nhỏ nhặt mà đề cập tới những vấn đề to lớn của trời đất, trăng sao… Nhưng cảm quan đó dù có ít nhiều màu sắc triết lý cũng không thoát khỏi nỗi buồn man mác. Đất nước, thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang cũng thấm sâu một nỗi buồn như thế. Bài thơ thể hiện tâm trạng của “cái tôi trữ tình” cô đơn, thấm đượm nỗi sầu nhân thế trước thiên nhiên mênh mông, hiu quạnh và tấm lòng yêu nước thầm kín của thi sĩ.
Lời đề từ tuy nằm ngoài bài thơ, nhưng lại đúc kết nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Có thể coi hình tượng và cảm xúc trong câu thơ này là nguồn thi hứng để thi sĩ sáng tác nên bài thơ Tràng giang bất hủ. Nó khiến cho không chỉ “cái tôi trữ tình” nặng trĩu nhớ nhung, mà đất trời sông núi cũng tràn ngập bâng khuâng, nhung nhớ. Cái độc đáo của câu thơ này chính là sự giao thoa của cả hai nghĩa ấy. Huy Cận đã triển khai cảm hứng nêu ở câu thơ để từ một cách hoàn hảo trong suốt bài thơ Tràng giang.
Ở khổ thơ thứ nhất, hai câu đầu đặc tả cảnh sông nước quen thuộc trải rộng ra trong một không gian mênh mông, bát ngát:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Nếu câu trên, sự vô biên được mở ra với hình ảnh những lớp sóng tiếp nối nhau, xô đuổi nhau điệp điệp thì ở câu dưới nó lại được đặc tả qua hình ảnh con thuyên xuôi mái theo những luồng nước song song rong ruổi về mãi cuối trời.
Sóng gợn nhấp nhô trên mặt sông bao la thì buồn cũng dồn đuổi nhau điệp điệp hết lớp này tới lớp khác trong hồn người, vần ang trong tràng giang có dư âm vang xa, tạo nên âm hưởng chung cho bài thơ. Mặt khác, tràng giang còn gợi lên được hình ảnh một con sông không những dài mà còn rộng. Cái nhỏ nhoi của con thuyền càng làm nổi bật cái rộng dài tưởng chừng vô tận của dòng sông. Sức mạnh của hai câu thơ trên không chỉ là ở nghệ thuật miêu tả, mà còn ở nghệ thuật khơi gợi cả xúc cảm và ấn tượng về một nỗi buồn triền miên theo không gian (tràng giang) và theo thời gian (điệp điệp).
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Thuyền về bến, neo lại nghỉ ngơi, mặt sông vắng bóng thuyền, nước đành chia sầu trăm ngả. Củi một cành khô lạc mấy dòng không biết trôi về nơi nao. Hình ảnh đơn sơ mà có sức gợi sự liên tưởng sâu xa tới thân phận cô đơn, lênh đênh, sầu thảm của kiếp người thời ấy.
Đến khổ thơ thứ hai, bức tranh tràng giang có thêm cảnh, thêm người nhưng nỗi buồn không vơi mà như càng thấm sâu vào cảnh vật:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Khung cảnh chứa đầy tâm trạng. Huy Cận đã tập trung tất cả hình ảnh, nhạc điệu để làm nổi bật lên nỗi buồn thấm thía của con người trước sông dài trời rộng. Nỗi buồn được gợi lên từ mặt nước mênh mông, đôi bờ hoang vắng, từ một cồn nhỏ lơ thơ heo hút, dăm bụi cây phơ phất trong gió lạnh đìu hiu.
Lắng nghe đâu đây, từ làng xa vẳng lại tiếng chợ chiều đang vãn, tuy có hơi hướng con người nhưng âm thanh mơ hồ như từ cõi nào vọng lại, làm dấy lên trong lòng lữ khách nỗi khát khao được gặp gỡ và chia sẻ tâm tình.
Nỗi buồn toả ra hết chiều cao, chiều rộng của bến bãi, mặt nước, bầu trời. Ở đây, người đọc bắt gặp cảm nhận tinh tế, kì diệu của nhà thơ qua một chi tiết hết sức bất ngờ: sự chuyển đổi cảm giác trời lên cao thành sâu chót vót đặc tả độ cao rợn ngợp của bầu trời và khoảng cách vô tận giữa trời và nước. Từ đó tạo nên ấn tượng sông thêm dài, trời thêm rộng và bến sông vốn đã vắng vẻ lại càng cô liêu hơn, quạnh quẽ hơn.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Vẫn trong mạch cảm xúc, nỗi buồn được gợi ra từ hai khổ thơ đầu qua các hình ảnh: những cánh bèo trôi dạt lênh đênh, những con thuyền, dòng nước như cùng trôi về cõi vô biên, củi một cành khô lưu lạc bồng bềnh trên sóng nước thì đến khổ thơ này ấn tượng về khung cảnh mênh mông vắng lặng, về sự chia li tan tác được láy lại và nhấn mạnh bằng hai lần phủ định: Không một chuyến đò, Không cầu gợi chút niềm thân mật. Người cô đơn gặp cảnh hoang vắng tĩnh mịch đến lạnh lùng như thế thì nỗi cô đơn càng đậm, càng sâu. Ước mong khao khát tìm được một chút hơi hướng ấm áp của con người nhưng chỉ thấy toàn bờ xanh tiếp bãi vàng hun hút tới tận chân trời và chỉ có những cánh bèo không biết sẽ trôi dạt về đâu giữa tràng giang bát ngát. Toàn là hình ảnh gợi nỗi buồn thương, tan tác, chia li.
Sông dài, trời rộng không có bóng dáng con người. Không một chuyến đò và cũng không cầu để tạo nên cảm giác gần gũi giữa con người với nhau mà chỉ toàn là thiên nhiên (bờ xanh) với thiên nhiên (bãi vàng) xa vắng, mênh mang. Vì thế, nỗi buồn ở bài thơ này không chỉ là nỗi buồn mênh mông trước trời rộng, sông dài mà còn là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn thời cuộc.
Bốn câu cuối thể hiện rất rõ tâm trạng tác giả và ý tưởng chung của toàn bài. Nỗi buồn sâu thẳm từ con người đã thấm sang cảnh vật:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng vẫn mang dáng vẻ cô đơn. Mây cao đùn lớp lớp thành ngọn núi bạc chơ vơ trong hoàng hôn, giống như nỗi buồn chất ngất trong lòng người lữ thứ. Giữa trời đất bao la chỉ còn lại một cánh chim nhỏ chở nặng bóng chiều sa. Tất cả đều cô đơn, lẻ loi đến tội  nghiệp và con người dường như chìm ngập trong vũ trụ rộng lớn, bao la. Giữa cảnh Tràng giang ấy, nỗi buồn của kẻ tha hương lại càng da diết, khắc khoải:
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Câu thơ gợi nhớ tới một tứ thơ Đường: Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu). Tản Đà dịch: Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. Tuy nhiên, hai câu thơ của Huy Cận có nét mới hơn. Người khách trong thơ Thôi Hiệu nhìn thấy khói toả, sóng gợn mà nhớ tới quê hương; còn nhân vật trữ tình trong Tràng giang đứng trước cảnh sông không khói hoàng hôn mà vẫn rưng rưng nỗi nhớ về một miền quê xa khuất.
Âm điệu thơ trầm buồn có sức lay động tận nơi sâu thẳm của tâm hồn người đọc. Huy Cận đã tiếp thu thế mạnh của thể thơ bảy chữ, kết hợp với từ ngữ hàm súc, tinh tế để thể hiện sự chân thành, thiết tha của một tấm lòng nhớ nhung, hoài vọng quê hương. Bao phủ toàn bài thơ là một nỗi buồn lan rộng và thấm thía. Đó là nỗi buồn của kiếp người nhỏ bé, hữu hạn trước cái vô biên, vô tận của vũ trụ vĩnh hằng. Tuy nhiên, đó là nỗi buồn trong sáng, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn của bạn đọc.
Tràng giang đã kết hợp được những nét cổ điển của thơ Đường, vẻ đẹp của truyền thống thơ ca dân tộc cùng dáng dấp hiện đại của Thơ mới. Tấm lòng nhà thơ đã dàn trải ra thành những hình ảnh, âm điệu, màu sắc vừa đơn sơ giản dị, vừa đẹp đẽ thanh cao. Bài thơ phản ánh tâm trạng của một trái tim cô đơn, một “cái tôi trữ tình” đau đáu nỗi buồn trước cuộc đời. Nỗi buồn sâu xa ấy đã hòa vào nỗi bơ vơ, cô độc trước khung cảnh thiên nhiên hoang vắng. Tuy vậy nhưng tình cảm của nhà thơ Huy Cận đối với non sông đất nước thể hiện qua bài thơ cũng thật thiết tha, sâu lắng. Đúng như nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn dường cho lòng yêu giang sơn, Tổ quốc”.




Đề bài Trong lớp có bạn cho rằng: Không nên kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy viết một bài văn bác bỏ quan niệm đó - Văn mẫu lớp 11 - Viết bài tập làm văn lớp 11 - Những bài văn hay lớp 11 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: HocNhanh.vn