Tuổi thơ bệnh tật
Dương Mạnh Kiên sinh năm 1987, là con cả trong một gia đình có ba anh em trai thì cả ba người cùng bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo: máu không đông (tên khoa học là Hemophilli). Lên bảy tuổi, trong một lần bị ngã bình thường, tay của Kiên sưng tấy lên mãi không khỏi. Lo lắng trước tình trạng bất thường của con, bố mẹ Kiên đã đưa Kiên lên bệnh viện tỉnh.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Kiên bị viêm cơ có mủ. Nhưng khi làm tiểu phẫu thì không thấy mủ mà máu tươi thì chảy mãi không cầm. Hai tuần trụ tại bệnh viện tỉnh, bệnh không khỏi mà thể trạng Kiên ngày càng yếu đi, mặt mày xanh như tàu lá, bàn tay co quắp lại. Thấy thế, một bác sĩ khuyên gia đình nên đưa Kiên lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã kết luận Kiên bị chứng rối loạn đông máu. Nghe tin mà như sét đánh ngang tai, mẹ Kiên đã ngất ngay tại chỗ.
Kể từ ngày ấy, bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Kiên. Kiên ở viện thậm chí còn nhiều hơn ở nhà. Tuổi thơ nhọc nhằn trôi theo những lần tiếp máu, những xét nghiệm liên miên. Và cũng từ ngày đó, của cải trong nhà cứ lần lượt ra đi để đổi lấy những bịch máu duy trì sự sống cho Kiên.
Nhà nghèo nên không phải lúc nào lên cơn đau đớn, Kiên cũng có thể đến bệnh viện ngay được. Thế là trong cái khó ló cái khôn, Kiên nghĩ ra một cách để giảm đau tạm thời là dùng dây chun buộc chặt chân rồi treo lên cửa sổ. Trong thời gian ấy bố mẹ Kiên sẽ đi xoay tiền đưa con đi bệnh viện.
Cả Kiên và hai người em trai chân tay đều bị biến dạng, teo tóp. Các khuỷu tay và khuỷu chân không gập lại được, đi lại như rô bốt. Thế nên ở nhà Kiên, nếu dải chiếu ăn cơm thì ba anh em phải ngồi ba mâm vì chân không thể quặp lại được.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Kiên ngồi đó, bên người vợ hiền và đứa con gái xinh xắn kể lại cho chúng tôi nghe những khoảnh khắc định mệnh của đời mình. Hết quãng đời tuổi thơ lại sang cả quãng đời tuổi trẻ, Kiên không biết thứ gì hơn ngoài những lần truyền máu và những tháng ngày rã rời đóng đô tại bệnh viện. Tuyệt vọng và bế tắc, Kiên đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình và cho bố mẹ khỏi khổ. Nhưng cuộc điện thoại của một người con gái xa lạ đã kéo Kiên ra khỏi vũng lầy tuyệt vọng. Người con gái ấy chính là vợ Kiên sau này.
Ngày đó, khi đang nằm treo chân bên cửa sổ nghe đài, đến mục kết bạn qua tổng đài đã làm Kiên chú ý. Kiên đã lấy điện thoại và nhắn tới số của tổng đài. Không ngờ một lúc sau, họ đã gửi cho Kiên năm số điện thoại để kết bạn. Nghĩ là, chẳng để làm gì nên trò chơi của Kiên chỉ dừng lại ở đó. Nhưng bẵng đi khoảng vài ngày, một số điện thoại lạ đã gọi cho Kiên, nói giọng miền Nam rất ngọt. Kiên hỏi sao cô ấy lại biết số của mình thì cô ấy nói cô ấy tham gia mục kết bạn và không hiểu sao cô ấy bỏ qua bốn số điện thoại kia và chỉ chọn số của Kiên để gọi. Cô gái ấy tên là Đoàn Thị Kim Sơn, sinh năm 1986, quê ở Đồng Tháp.
Thế rồi sau cuộc điện thoại làm quen ấy, ngày nào đôi trẻ cũng nhắn tin và chia sẻ cùng nhau rồi họ gửi cả ảnh cho nhau xem. Đến khi cảm nhận được tình cảm của cả hai bên đã khá gắn bó, Kiên lấy hết dũng khí để kể cho Sơn nghe về tình trạng sức khỏe của mình. Kiên nói ra là để cho lòng thanh thản và cũng là để cho người bạn gái ấy đỡ tốn thêm thời gian vô ích với mình. Nhưng thật không ngờ, sau khi nghe Kiên nói, Sơn đã không những không có ý định dừng lại mối quan hệ này mà còn hẹn sau Tết sẽ ra thăm Kiên.
Khỏi phải nói, từ sau khi bạn gái hứa như vậy, Kiên đã vui như chưa từng bao giờ được vui như thế. Dù trong lòng vẫn phấp phỏng lo rằng, chả ích gì đâu, nếu cô ấy ra và nhìn thấy gia cảnh cũng như bệnh tật của bản thân mình, nhưng con tim yếu đuối vẫn luôn hy vọng sẽ có một kết thúc có hậu dù rất mong manh.
Như một giấc mơ, sáng mồng 4 Tết năm 2009, người bạn gái nhỏ đã có mặt tại nhà Kiên. Không chỉ Kiên vui mà cả gia đình Kiên ai nấy đều hoan hỉ. Ai cũng hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho một mối quan hệ sâu sắc hơn. Tuy vui là vậy, nhưng mẹ của Kiên khi ấy vẫn nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm khẳng định lại tình trạng bệnh tật của con trai mình cho Sơn biết. Còn quyết định ra sao đó là quyền của Sơn.
Bà bảo với Sơn rằng: “Cháu nên cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định. Con của bác nó bị bệnh máu không đông không có khả năng chữa khỏi, sức khỏe rất yếu. Có thể bây giờ hai đứa yêu nhau nên chưa cảm thấy gì, sau này sống chung với Kiên, thấy Kiên bệnh tật triền miên cháu chán mà bỏ nó thì coi như lỡ dở một đời. Lúc đó, cháu khổ mà Kiên cũng khổ”.
Trước những lời cảnh tỉnh của mẹ Kiên, Sơn vẫn không mảy may dao động. Có thể Sơn đã không nghĩ nhiều đến thế. Sơn chỉ biết rằng mình thực sự yêu Kiên và ở bên Kiên, Sơn thấy mình hạnh phúc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, hội ngộ chưa đầy 24 tiếng thì Sơn đã phải cùng gia đình đưa Kiên đi cấp cứu. Và ròng rã hơn một tuần trời sau đó, không phải là những chuyến đi chơi lãng mạn, nhiều kỷ niệm mà thay vào đó là những ngày vất vả chăm sóc người yêu trong bệnh viện.
Sơn làm những việc đó tự nguyện và tự nhiên cứ như thể nó là trách nhiệm của Sơn vậy. Sau lần ra thăm gia cảnh của người yêu, nhất là sau khi tận mắt chứng kiến những cơn đau hành hạ Kiên, Sơn đã hứa với lòng sẽ cùng Kiên vượt qua tất cả. Trước khi về lại Đồng Tháp, hai người đã nghiêm túc tính tới chuyện trăm năm.
Và một kết thúc có hậu
Về lại Đồng Tháp, vì đột ngột thông báo với gia đình là sẽ kết hôn với một chàng trai ngoài Bắc nên Sơn đã vấp phải sự phản đối dữ dội của những người thân trong gia đình. Bố mẹ và các em của Sơn không muốn Sơn lấy chồng xa nhưng khi thấy Sơn quyết tâm quá cũng đành xuôi lòng.
Về phần Kiên, để chuẩn bị cho đám cưới của mình diễn ra suôn sẻ không gặp sự cố gì, Kiên đã phải đi tiếp máu và nằm viện trước đó một tuần. Người ta đi đón dâu thì rộn ràng, náo nhiệt còn Kiên đi lấy vợ chỉ có hai mẹ con. Dù rất muốn làm đẹp mặt cô dâu nhưng gia đình Kiên không chạy đâu ra tiền để mời thêm vài người bà con vào đón dâu cho ra dáng một đám cưới.
Đường xá xa xôi, đến khi vào đó lại phải đi lại nhiều để tiếp khách, người Kiên như lả đi và đôi chân sưng phù lên. Kiên bảo: “Nếu như phải tiếp khách thêm chỉ khoảng mười lăm phút nữa thôi chắc em sẽ nằm lăn tại nhà cô dâu mất”. Bước chân ra khỏi nhà vợ cũng là lúc Kiên không thể tự mình đi được nữa. Thế là, một bên mẹ, một bên vợ sốc hai bên nách chú rể lên xe. Và kể từ lúc lên xe, Kiên nằm bất động.
Ra Bắc, đoàn rước dâu đã không thể về nhà để chia vui với gia đình mà phải chạy thẳng đến Bệnh viện huyết học để cấp cứu chú rể. Chẳng có đêm tân hôn, chỉ có những ngày căng thẳng lo cho sức khỏe của chồng. Hai ngày sau đó, Kiên mới được về nhà và làm cơm báo hỉ. Tôi hỏi, có phút giây nào đó Sơn cảm thấy chạnh lòng và hối hận vì quyết định vội vã của mình không thì Sơn cười bảo rằng: “Chạnh lòng thì có chứ hối hận thì không”.
Từ ngày lấy nhau, căn bệnh quái ác vẫn hành hạ Kiên triền miên. Sức khỏe yếu nên Kiên không thể theo đuổi một công việc ổn định, thường thì ai thuê gì Kiên làm nấy. Lúc thì quét sơn, khi lại làm điện nước. Mọi chi phí trong nhà hầu hết đều dựa vào những đồng tiền ít ỏi từ công may thuê của Sơn. Không những thế, tháng nào Kiên cũng phải đi viện ít nhất một lần thế nên tiền kiếm được bao nhiêu cũng không đủ lo cho bệnh tật của chồng. Vất vả là vậy nhưng Sơn không một lời ca thán. Tất cả những lần chồng ốm đau, Sơn đều ở bên động viên và chăm chút cho Kiên.
Sau hơn hai năm lấy nhau, giờ đôi trẻ đã có lưng vốn để dành là cô con gái xinh xắn và rất đáng yêu. Bé Dương Huyền Diệu Thảo ra đời chính là món quà ý nghĩa nhất mà ông trời đã ban tặng cho hai con người dám sống cho tình yêu. Vẫn biết rằng cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tình yêu lớn lao mà họ đã và đang dành cho nhau, tôi tin rằng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười bên họ.