Kênh Chia sẻ Tổng Hợp, Học Ngữ Văn, Soạn Văn,Viết văn... Kiến Thức Internet...( HocNguVan.Com )

Thúc Sinh, người giải phóng Kiều khỏi bóng ma Đạm Tiên- Văn mẫu lớp 10 - Viết bài tập làm văn lớp 10 - Những bài văn hay lớp 10

Thúc Sinh, người giải phóng Kiều khỏi bóng ma Đạm Tiên- Văn mẫu lớp 10 - Viết bài tập làm văn lớp 10 - Những bài văn hay lớp 10

Mặc cảm về thân phận lúc đầu xuất hiện trong Kiều thật mong manh qua giấc mộng Đạm Tiên. Kiều cảm nhận được sự đe dọa của định mệnh, nhưng nỗi lo âu nhân lên từ lời báo mộng cũng chỉ là những run rẩy mơ hồ, siêu hình, không ngăn được những bước dấn thân vì những khát vọng giải phóng của Kiều... Từ những nỗi đau, những run rẩy siêu hình... Trước mọi biến cố xảy ra, Kiều đều có nghĩ đến định mệnh, nghĩ đến lời báo mộng của Đạm Tiên. Nhưng dù bị ám ảnh, dù ngày càng tin, cái ý thức định mệnh ấy vẫn không ngăn được bước chân Kiều dấn thân trên những nẻo đường giải phóng. Mỗi lần gặp thất bại, bị đọa đày sỉ nhục, Kiều lại suy tư về thân phận mình. Thúy Kiều Khi mới vào lầu xanh, tự tử không thành, Kiều đã tìm thấy ở lời tiên tri của Đạm Tiên cái cớ để thoả hiệp, chấp nhận chờ đợi lòng tốt của Tú Bà. Nhưng đến khi Sở Khanh xuất hiện, Kiều lại nhức nhối những ý nghĩ về thân phận và muốn "đánh liều" gây hấn với trật tự mà mình đã chấp nhận để mong đổi phận. Khi bị bắt, bị đánh đập, Kiều khẳng định rõ hơn cái thân phận bơ vơ bị động đen đủi của mình và tỏ ra đã khuất phục, cam chịu với thân phận lệ thuộc ấy: Thân lươn bao quản lấm đầu Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa! Nhưng về lại buồng riêng, Kiều lại đau đớn ngậm ngùi cho tấm thân mình, cho "chút lòng trinh bạch" của mình, đau vì phẩm giá đã phải lùi bước trước định mệnh: Buồng riêng, riêng những sụt sùi Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân: “Tiếc thay trong giá trắng ngần Đến phong trần cũng phong trần như ai!” Trong tâm trạng của Kiều luôn luôn xuất hiện sự vật lộn giằng xé của nỗi đau về phẩm giá, về quyền sống với ý thức rõ dần về định mệnh, về thân phận. Ý thức về định mệnh, về thân phận dù luôn luôn áp đảo khát vọng về tình yêu, về phẩm giá và hạnh phúc, vẫn không ngăn được một khát vọng giải phóng thẳm sâu, âm ỷ và mãnh liệt luôn chờ cơ hội để bùng ra trong những kế hoạch khác nhau. Kiều gặp Thúc Sinh Mỗi khi kế hoạch giải thoát khỏi lầu xanh bị lỡ dở, cái nỗi đau thân phận, cái ý thức về định mệnh trong Kiều lại nặng nề hơn, áp đảo hơn, làm nên kịch tính trong tâm hồn Kiều với những tiếng kêu thương xé ruột. Nỗi ám ảnh về định mệnh và nỗi đau bất lực trước định mệnh đó ngự trị thường trực trong tâm hồn Kiều, che khuất cả ảnh hình Kim Trọng. Những lúc cô đơn nhất, đau khổ nhất, Kiều luôn nhìn xoáy sâu vào cái vực thẳm hun hút của thân phận, của định mệnh ở đó có bóng ông Trời, bóng bọn Tú Bà, Khuyển Ưng, Sở Khanh luôn luôn ngự trị lấn át bóng mẹ cha, bóng Kim Trọng, bóng Thúy Vân... Cũng có lúc Kiều nghĩ đến những người thân đó một cách xót xa, nhưng đó là sự xót xa thấm thía, bình thản, không phải là nỗi nhớ tiếc mãnh liệt, vật vã: Khi về hỏi liễu Chương Đài Cành xuân đã bẻ cho người trao tay Tình sâu mong trả nghĩa dày Hoa kia đã chắp cành này cho chưa? Nhưng khi nghĩ về thân phận mình là tâm tư Kiều bị sốc, những lời lẽ bạo động, đay nghiến và oán trách ông Trời lại bùng ra: Phận sao bạc chẳng vừa thôi Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan Đã đành túc trái tiền oan Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi. ...Đến những lo âu, hạnh phúc trần thế Khi được Thúc Sinh đưa ra khỏi lầu xanh, ý thức về thân phận trong Kiều có vẻ vơi đi, nhạt đi. Cho nên lúc bị Hoạn Thư bày mưu bắt về cho giáp mặt Thúc Sinh, Kiều rất đau, nhưng trong suy nghĩ của nàng không thấy lời oán trách ông Trời, xót xa với thân phận nữa, mà chỉ thấy những suy tư về con người Hoạn Thư và những lo sợ hoang mang cho cảnh ngộ cụ thể của mình. Thậm chí, khi phải đánh đàn cho Hoạn Thư trước mắt Thúc, tiếng đàn của Kiều rất đau: Bốn dây như khóc như than Khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng Nhưng suy tư của Kiều lại chỉ xoáy vào Hoạn thư thôi: Bây giờ mới rõ tăm hơi Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen Chước đâu rẽ thuý chia uyên Ai ra đường nấy ai nhìn được ai! Sau đó là nghĩ đến Thúc Sinh, đến tình cảnh quan hệ của mình với Thúc Sinh: Bây giờ một vực một trời Hết điều khinh trọng hết lời thị phi Nhẹ như bấc, nặng như chì Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên. Cuối cùng, sau tất cả những suy tư ấy, cái ý thức về thân phận, về định mệnh mới xuất hiện, có phần mờ nhạt: Lỡ làng chút phận thuyền quyên Bể dâu sóng cả có tuyền được vay? Nhưng cũng chỉ là sự bộc lộ của khát vọng được làm lẽ mọn. Dõi theo mạch ngầm những diễn biến sâu thẳm trong đời sống nội tâm của Kiều ta có thể thấy rõ cái công lao của Thúc với Kiều: Với bàn tay cưu mang lén lút, Thúc đã lôi Kiều ra khỏi những run rẩy siêu hình để Kiều được thổn thúc với những lo âu trần thế rất cụ thể, và rất con người. Thực ra thì Thúc Sinh với bản tính nhu nhược và tâm tư phức tạp của mình chẳng làm được gì cho Kiều ngoài việc năn nỉ xin Hoạn Thư "nới tay": Sinh rằng: "Thật có như lời Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay Nghìn xưa âu cũng thế này Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa" Lý do xin nới tay cho Kiều cũng phải dựa dẫm vào nhà Nho đổ tội cho định mệnh, hy vọng ở nhà Phật, kêu gọi từ bi. Thúc Sinh không có cái trong trẻo thư sinh đơn giản của nhà nho Kim Trọng, không có cái đơn giản kiêu hùng của Từ Hải, mà có cái phức tạp của một thương gia nhạy cảm, đôn hậu nhưng nhu nhược. Trong cái xã hội Truyện Kiều đầy những tai họa bất trắc giáng xuống thân phận một người con gái vô tội như Kiều, không có ai ngoài Thúc Sinh nhận về mình cái trách nhiệm làm cho đời Kiều khổ, không đổ lỗi cho chữ Mệnh như những người tình đệ tử của đạo Nho. Xem thế cũng đủ thấy Thúc Sinh con người biết chừng, gần gũi biết chừng nào. Và một thế giới cụ thể, thiết thực Sống với Thúc, Kiều không chỉ được giải phóng khỏi chữ Mệnh, giải phóng khỏi cảm hứng siêu hình để hiện diện như con người bằng xương bằng thịt, mang vẻ đẹp trần gian, mà còn được giải phóng khỏi thế giới suy tư già cỗi của đạo Nho để suy tính như một con người hiện thực, đau những nỗi đau trần thế. Ngay cả tiếng đàn của Kiều cũng được thế tục hóa. Nếu như tiếng đàn của Kiều trong các đoạn đời khác còn gợi nhiều điển tích, còn nặng nề ý tưởng, còn run rẩy những xúc cảm siêu hình, thì tiếng đàn của Kiều trong đoạn đời sống với Thúc Sinh lại rất gần gũi và trần thế. Nguyễn Du không hề dùng điển tích nào để tả tiếng đàn của Kiều trong lúc bị Hoạn Thư hành hạ. Tiếng đàn được tả rất súc tích để phơi bày cái hiệu quả tinh thần của nó: Bốn dây như khóc như than Khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng Cùng trong một tiếng tơ đồng Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm. Thiên nhiên quanh Kiều cũng cụ thể biết bao, những bông lựu, hoa sen, hoa đào, lá ngô đồng, chưa bao giờ gần thế, tưởng như Kiều giơ tay ra là hái được. Ngay cả những đoá hoa trong không gian nhà Phật nơi Kiều tu hành cũng là những đoá hoa cụ thể và gần gũi, là vườn hoa "bốn mùa", là hoa cúng. Dù là hoa trong cõi Đạo, mọc cạnh Quan Âm các, nhưng nó không phải là thứ "hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" đầy tính chất tín hiệu, mà là hoa thật! Nó cố mở rộng cái kích tấc trần thế, cái kích tấc không gian vật chất của nó để tô điểm cho Kiều, làm thành một thảm hoa "bóng hoa đầy đất", đến nỗi Hoạn Thư muốn vào chùa cũng phải "rẽ hoa!". Trong cái thế giới thực tế và đôn hậu của Kiều và Thúc, từ sự việc, tiếng đàn và trăng gió, tất cả đều gần gũi và cụ thể. Gần gũi đến mức có thể "vén mây giữa trời", có thể thấy "tan sương đầu ngõ", có thể phân biệt rõ đáy nước long lanh và có thể vượt qua cái ranh giới cụ thể đầy hoa giữa đời và đạo để tìm tự do: Cất mình qua ngọn tường hoa Lần đường theo bóng trăng tà về tây Trong cái thế giới cụ thể thiết thực đó mọi thứ dường như có thể cân đong đo đếm được với những từ ngữ chỉ đơn vị và kích cỡ tràn ngập cả trong không gian, tuổi đời và nỗi nhớ: "Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi" "Đêm thu gió lọt song đào Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời Vành trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường" "Trước cho bõ ghét những người Sau cho để một trận cười về sau" "Tiểu thư nghe cũng thương tài Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân" "Sắn bìm chút phận cỏn con Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng? Hạnh phúc "cỏn con", chia sẻ như "nửa" vầng trăng thôi, hạnh phúc ít ỏi có thể bấm đốt ngón tay mà đếm được, hạnh phúc cụ thể và rõ mồn một như những đồ vật có địa chỉ và kích cỡ trong không gian, đâu phải thứ hạnh phúc mơ hồ lãng mạn của chất thơ Kim Trọng, cũng không phải cái hạnh phúc tự do thăng hoa "cánh hồng bay bổng tuyệt vời" của Từ Hải! Khi Kiều đang chơi vơi lạc lối trong cõi siêu hình của chữ Mệnh, với ám ảnh Đạm Tiên như một gánh nặng của tâm tư, thì cái hạnh phúc lẽ mọn thiết thực của Thúc là một bến bờ cụ thể cho tâm hồn Kiều neo đậu, để rũ khỏi những áp lực siêu hình. Thúc Sinh vô hình là thầy phù thủy hóa giải Đạm Tiên. Không thấy bóng dáng Đạm Tiên lẩn quất đe dọa trong thế giới của Thúc Sinh ngay cả khi Hoạn Thư đại diện cho trật tự phong kiến nơi sản sinh ra chữ Mệnh và những Đạm Tiên đối diện trước Kiều tác oai tác quái. Chính vì thế Kiều không xử với Hoạn Thư theo cách pháp luật xử bọn tội phạm như với bọn Sở Khanh, Khuyển Ưng, mà như con người xử với con người: thể tình, khoan thứ. Luật giang hồ, luật pháp, luật siêu hình của định mệnh được thay bằng luật chơi sòng phẳng của con người, của cõi đời thực tế. Có thể nói quan hệ người nhất trong Truyện Kiều là quan hệ Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư .

Thúc Sinh, người giải phóng Kiều khỏi bóng ma Đạm Tiên- Văn mẫu lớp 10 - Viết bài tập làm văn lớp 10 - Những bài văn hay lớp 10 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: HocNhanh.vn