Không ai biết rằng, đằng sau nụ cười hồn nhiên trên gương mặt Nguyễn Thị Lệ Thu (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) là bao nhiêu nước mắt đã rơi.
Vết thương quá khứ!
Tai nạn xảy ra với Thu năm lớp 5, Thu cùng mấy đứa nhỏ hàng xóm trèo lên bãi đất cao xem máy xúc, một sự cố không may xảy ra, chiếc máy xúc bị lật, mấy đứa nhỏ nhanh chân nhảy xuống. Thu tay vẫn bế em nhỏ nên không xuống được, Thu cố dâng em gái lên cao ngang tầm ngực mà hét “Mọi người cứu em cháu với”. Em gái Thu thoát chết, nhưng số phận đã cướp đi của Thu một bên chân, với suy nghĩ non nớt của một đứa bé 11 tuổi thì Thu không hề biết rằng chân phải của em đã mất đi vĩnh viễn.
Số phận không may mắn của Lệ Thu khiến bạn gái này mặc cảm về bản thân suốt thời gian dài
Sau tai nạn, Thu được chuyển lên viện Việt Đức điều trị, khi vết thương đã lành, Thu đòi bố mẹ được đến trường. Tuy nhiên, cuộc sống của Thu không như trước nữa, việc đi lại, sinh hoạt của em gặp nhiều khó khăn hơn, Thu bắt đầu mặc cảm về bản thân khi bị trẻ con trêu đùa.
Mong muốn thấy con gái được đến trường như bao đứa trẻ khác, bố mẹ Thu đã quyết định lắp chân giả cho con. “Ngày đầu đeo chân giả, bố lại mua cho một chiếc quần mới nữa, em cảm thấy hạnh phúc lắm, cảm giác đến trường cũng khác mọi ngày” – Thu chia sẻ. Thu dần thích nghi với cuộc sống “mới” của mình, để đỡ bố mẹ phải đưa đón đi học, Thu tập đi xe đạp bằng một chân, với sự cố gắng hết mình và niềm lạc quan vào cuộc sống, hàng ngày, cô bé một chân đã có thể tự đạp xe đến trường như bao bạn bè khác.
Bước qua cánh cổng đại học
Thu mong muốn thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng là đam mê từ khi còn học phổ thông, nhưng bố mẹ, người thân khuyên không nên chọn ngành này, vì sẽ vất vả cho em sau này. Từ bỏ ước mơ nghề giáo, Thu nộp hồ sơ vào Đại học kinh tế kĩ thuật công nghiệp Hà Nội chuyên ngành kế toán. Những ngày thi Đại học, em ở tại kí túc xá ĐH Sư Phạm Hà Nội, bên cạnh em luôn có bố và những anh chị tình nguyện trong Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội.
Kết thúc kì thi trong bộn bề lo lắng, biết bao nhiêu người đặt hy vọng, niềm tin vào em. Và niềm vui vỡ òa khi em nhận được tin báo đỗ, “Nhà em không có mạng, muốn xem điểm thi phải đi ra quán cách nhà xa lắm. Trường có điểm em cũng không biết cho đến khi các anh chị trong hội tình nguyện gọi điện về tận nhà, cảm giác biết tin mình đỗ đại học hạnh phúc vô cùng” – Thu tâm sự
Hiện tại Thu đang là tân sinh viên trường ĐH Kinh tế kĩ thuật công nghiệp, tháng 9 vừa qua, Thu đã được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” – hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thu cũng đã dần quen với cuộc sống sinh viên, “ngoài này xe cộ đông hơn, đi lại khó hơn, không giống ở quê, em ở đây được một thời gian rồi, cũng quen với không khí sinh viên, em quen với cả mấy bác bán rau quả ngoài chợ nữa” – Thu cười nói.
Nghị lực sống!
Trước đám đông, dường như nụ cười trên gương mặt em không bao giờ tắt, Lệ Thu là một cô gái lạc quan, sau tất cả những khó khăn, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, em gượng mình đứng dậy và đi tiếp đường đời của mình bằng một chân. “Nhìn thấy người thân sống vui vẻ là em cảm thấy vui rồi” – Thu nói.
Cuộc sống sinh viên mới bắt đầu, cô gái 18 tuổi này cũng bắt đầu những mong muốn được cống hiến cho xã hội. Thu tham gia tình nguyện, “được khoác trên mình màu áo xanh giống các anh chị, em cảm thấy vui lắm” – Thu cười nói
“Em muốn tìm một công việc làm thêm để phụ bố mẹ, em cũng biết xin việc làm đối với em là rất khó khăn, nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà mà thương lắm. Đồng lương ít ỏi từ công việc bóc lạc thuê của mẹ, thu nhập từ việc đi làm thợ xây của bố dường như là không đủ để nuôi hai chị em ăn học” – Thu tâm sự. Thu mang trong mình những ước mơ lớn, Thu luôn cố gắng để không trở thành gánh nặng của bố mẹ, đó là một nghị lực mạnh mẽ đáng khâm phục.