– Chồng!
– Anh nghe đây.
***
– Sáng nay đại ca nhà mình gọi mãi không chịu dậy đi học. Em bảo “Ô kìa! Anh Zô không chịu dậy đi học cho mẹ còn đi làm kiếm tiền, mai mốt ba về còn đưa đi công viên he”. Thế là đại ca bật dậy ngay hỏi bao giờ ba về, rồi tự giác đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi đòi đi học.
– Hì hì. Đại ca có động lực có khác.
– Đại ca ngóng ba lắm đó.
– Yên tâm… Chồng sắp về rồi. Năm ngày nữa…
– Đại ca nói: “Mẹ ơi! Mẹ nhớ bảo ba về đưa con đi công viên không tội con thì sao” đó chồng.
Tôi sặc mất. Hơn bốn tuổi mà thằng nhóc nhà tôi đã lém thế rồi. Trẻ con bây giờ khôn sớm hơn nhiều so với tôi ngày xưa.
– Mà các sếp đã đồng ý cho anh về chưa?
– Ưm… Các sếp nhất trí rồi.
– Em nhớ chồng lắm.
– Chồng cũng nhớ em lắm.
– Chồng nhớ em như thế nào?
– Lúc nào cũng nhớ.
– Ứ phải!
– Thật mà.
– Ứ phải!
– Chồng nhớ em đến mức sáng nay ngồi họp chồng ngủ gật mơ thấy em nhổ tóc sâu cho chồng.
– Thật vậy he chồng!
– Chứ còn gì nữa. Lúc vợ nhổ nhầm tóc đen, chồng đau chồng gục đầu cái cộp xuống mặt bàn.
– Ối… Chồng có đau không?
– Chồng… không đau. Chỉ bị sếp sạc cho một trận.
Chả là để phục vụ cho trên về kiểm tra đột xuất, tôi phải thức cả đêm hôm qua hoàn chỉnh các văn bản, tài liệu, nên sáng nay trong buổi làm việc mệt quá trót ngủ gật bị trưởng đoàn kiểm tra phê bình ngay tại trận. Các sếp giận quá dừng luôn đợt nghỉ phép của tôi. Khổ vậy. Nhưng chẳng dám nói thật ngay với vợ là vì ngủ gật mà tôi bị dừng phép. Không biết là mai mốt giải thích thế nào…
– Mấy ngày nữa chồng về em bóp đầu, nhổ tóc sâu cho chồng nha.
– Ưm…
– Rồi chồng cũng đấm lưng, nhổ tóc trắng cho em nữa. Bà con cơ quan em dạo này nói em thiếu hơi chồng lâu quá hay sao mà mau già. Híc…
– Linh tinh. Vợ của chồng mà già. Bà con cơ quan em điêu đấy.
– Chồng về mà coi…
Thương vợ lắm mà chẳng biết làm thế nào. Có chồng mà cứ như không. Ngẫm lại, cũng chỉ chín ngày nữa là tròn một năm chưa gặp vợ con kể từ lần nghỉ phép mới đây nhất. Từ lúc lấy nhau, tôi cứ biền biệt suốt để lại ở nhà một thân một mình vợ vừa làm vừa còm cõi nuôi con. Đã trót đeo mang cái nghiệp rồi. Đành tự rủa mình làm người chồng, người cha không tròn trách nhiệm. Còn may cho tôi là có một người vợ biết yêu, biết thương, biết hy sinh.
– Chồng à!
– Gì cơ em.
– Cái Hằng hôm qua kể chuyện anh Thân nhà nó bị các sếp phê bình.
– Phê bình gì thế?
– Luấn quấn chuyện vợ con. Tuần vừa rồi, cái Hằng nó ốm, anh Thân tụt tạt cuối giờ buổi chiều các ngày trong tuần về nhà bị các sếp biết được.
– Ừm.
– Em ghét các sếp nhà anh Thân. Các sếp cũng có gia đình, cũng có vợ đau con ốm…
– Chắc tại nó về nhiều chứ gì.
Khổ. Nếu chọn được một cái nghề khác, chắc tôi và thằng Thân bạn tôi cũng chẳng bao giờ chọn công việc đang làm. Vì nó không có điều kiện nhiều về thời gian dành cho gia đình. Xã hội phân công mỗi người mỗi việc, nhưng chúng tôi không làm thì ai làm. Người ta bảo phải đặt điều đó thành lý tưởng cao đẹp thì mới đúng.
Có lẽ tôi không bao giờ quên được một việc. Khi thằng nhóc nhà tôi gần được mười bốn tháng, tôi về phép thăm nó. Nhìn thấy tôi, nó khóc ré lên, quơ bàn tay nhỏ xíu đẩy tôi ra. Lòng tôi lúc đấy rúm lại. Nửa năm sau tôi về nựng nó, nó lắc đầu nguây nguẩy. Lòng tôi xót xa. Được ba tuổi, nó mới bắt đầu biết thế nào là ba của nó. Lòng tôi mới dần tĩnh lặng.
– Cả ngày nay dự hội thảo được ba trăm nghìn em mua hộp sữa cho đại ca hết toi luôn. Tiền điện, nước tháng này hết bốn trăm hai chưa trả được chồng à.
– Ưm…
– Đại ca mong ba về từng ngày đó!
– Thế vợ mong chồng từng nào?
– Ứ vào… Em ghét chồng. Cứ biền biệt suốt…
– …
– Chồng ơi!
– Chồng đây!
– Sắp được gặp chồng, em cứ thấy bổi hổi bồi hồi…
– Như ngày vợ mới yêu chồng hả?
– Ứ đâu…
– …
– Thôi… Em cúp máy đây. Chồng làm gì làm đi.
– Tối hai mẹ con ngủ ngon nhé. Chồng yêu hai mẹ con.
– Hai mẹ con yêu chồng!
Tôi ơi. Giờ phải làm sao để không lỗi cái hẹn năm ngày nữa chồng về…