19 tuổi, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông Amy Purdy mang trong mình rất nhiều mơ ước, khát khao trở thành một vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp. Rồi một cơn sốt xảy ra và điều khủng khiếp nhất đã ập đến. Amy nhiễm phải một loại vi khuẩn viêm màng não nặng, và loại vi khuẩn này đã nhanh chóng tàn phá gần như toàn bộ cơ thể của cô.
“Chỉ còn 2% cơ hội sống”, bác sĩ của Amy cho biết. Chân cô bị cưa lên đến đầu gối, thận suy cấp, tai trái bị điếc, các bộ phận còn lại trong cơ thể đều bị thương tổn nặng. Khả năng phải cưa hoặc cắt bỏ tiếp các bộ phận để duy trì sự sống cho Amy là rất cao.
“Khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, nằm trong phòng cách ly và nhận thấy hai chân mình đã biến mất, tôi gần như phát điên. Không có chân làm sao tôi có thể tiếp tục trượt tuyết được đây, tôi còn cả một cuộc đời rất dài phía trước, tại sao lại như vậy?”, Amy nhắc lại, với vẻ kinh hoàng vẫn còn hiện rõ khi cô làm diễn giả trong chương trình talkshow trên kênh truyền hình danh tiếng TED.
Đau khổ, tự dằn vặt mình, trốn trong phòng suốt khoảng thời gian sáu tháng đầu tiên, Amy tưởng chừng đã mất hết nghị lực sống. Cho đến một ngày, bác sĩ điều trị mang đến cho cô một đôi chân giả được lắp ốc vít vận hành rất linh hoạt ở khu vực khớp gối và cổ chân. Câu hỏi đầu tiên Amy đã hỏi lúc đó là: “Tôi có thể trượt tuyết với đôi chân này được không?”. “Được, nếu cô thật sự muốn!”.
20 tuổi, Amy quyết định bước ra khỏi giường bệnh và bắt đầu từng bước chạy nhỏ với đôi chân mới rất kỳ lạ này. “Mỗi lần di chuyển, chỗ nối giữa phần thịt phía trên gối và ốc vít ở khớp gối chạm vào nhau đau khủng khiếp, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc. Đôi chân giả của tôi được gắn cố định vào ván trượt tuyết, mỗi lần nhìn thấy nó, phần còn lại của cơ thể tôi lại thúc giục được ráp lại, được lướt đi trên tuyết mãnh liệt!”.
Cứ như thế, Amy miệt mài với đôi chân giả và tấm ván trượt không ngừng nghỉ. Kết quả, hiện nay Amy đang là chủ nhân của ba chiếc huy chương vàng World Cup trong môn trượt tuyết dành cho người khuyết tật.
Song song với những hoạt động thể thao và nghệ thuật, cô cũng là người đồng sáng lập Tổ chức Adaptive Action Sport, chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật có mơ ước trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
“Đời tôi đâu chỉ sống cho một đôi chân. Khuyết tật lớn nhất của chúng ta là ở cái đầu, vì đó là nơi ta thường tự giới hạn khả năng của ta nhiều nhất!” – Amy cho biết trong một bài phỏng vấn với báo Time.